Nội dung chính
1. Rối loạn TIC và hội chứng TOURETTE là gì?
Tic là những vận động hoặc âm thanh không hữu ý, xuất hiện nhanh, đột ngột, tái diễn, không có nhịp điệu (thường bao gồm những nhóm cơ hạn chế). Các biểu hiện Tic được cảm nhận như không thể cưỡng lại được, nhưng thực tế có thể bị dừng lại một cách hữu ý trong một thời gian ngắn, tùy thuộc hoàn cảnh, thường mất đi trong lúc ngủ. Cả Tic vận động và âm thanh có thể biểu hiện bằng các dạng đơn giản hoặc dạng phức tạp, mặc dù có lúc ranh giới giữa hai dạng này không được xác định rõ ràng.
Tic và hội chứng Tourette là rối loạn khởi phát ở trẻ em, có thể kéo dài tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Đây là một dạng rối loạn tâm thần – thần kinh. Do đó vai trò xác định rối loạn này có thể cần sự phối hợp của chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa thần kinh hoặc nhi khoa.
Năm 1904, Gilles de la Tourette đã mô tả những triệu chứng xuất hiện ở 9 bệnh nhân, sau đó hội chứng này được mang tên của tác giả là hội chứng Tourette.
Tic thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng một số trường hợp bị tic có thể ảnh hưởng rõ rệt đến lĩnh vực học tập và hoạt động xã hội. Tic thường gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái và gặp nhiều hơn ở những gia đình có người bị tic.\
2. Dịch tễ học
Tic và hội chứng Tourette được quan sát thấy ở khắp mọi vùng trên thế giới. Tỷ lệ bệnh thay đổi phụ thuộc vào chủng tộc, lứa tuổi, giới tính của quần thể đánh giá và tiêu chuẩn chẩn đoán. Tic đơn giản và phức tạp gặp khá phổ biến, chiếm từ 6%-20% ở trẻ em. Ngược lại, hội chứng Tourette ít gặp.
Trong những năm 80, tỷ lệ mắc hội chứng Tourette gặp khoảng 1/2000 trẻ, nam cao gấp 4 lần so với nữ. Rối loạn Tic và hội chứng Tourette có xu hướng tăng lên trong hai thập kỷ gần đây, với tỷ lệ được xác định chung trên thế giới là 1% số học sinh tuổi học đường. Tỷ lệ này có thể gặp cao hơn ở những quần thể cần có giáo dục đặc biệt. Tic thường xuất hiện phổ biến nhất ở giai đoạn 3-5 tuổi và 9 -12 tuổi.
3. Khám, điều trị rối loạn TIC và hội chứng TOURETTE
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán Tic trong thập kỷ gần đây, nhưng cho đến nay điều trị đặc hiệu cho rối loạn Tic vẫn chưa được thiết lập.
Phần lớn trẻ mắc Tic vận động đơn giản nhất thời không cần phải điều trị. Quyết định bắt đầu điều trị vào mức độ trầm trọng của triệu chứng tic như biểu hiện tic ít nhất từ mức độ trung bình trở lên và Tic gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân với các thành viên trong gia đình, bạn bè và các thày cô giáo) và khả năng thực hiện các nhiệm vụ của trẻ ở trường học.
Nhiều trường hợp mắc hội chứng Tourette gây ảnh hưởng nhiều đến các thành viên trong gia đình hơn là ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh cũng có thể điều trị thành công với các phương pháp khác nhau mà không nhất thiết sử dụng thuốc. Thêm vào đó, vì triệu chứng Tic thay đổi lúc giảm đi, lúc tăng lên, nên tốt nhất là bắt đầu quá trình điều trị bằng liệu pháp tâm lý giáo dục và thích ứng cuộc sống trước khi quyết định sử dụng thuốc.
Với những trường hợp mắc bệnh phối hợp với tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, trầm cảm, lo âu…nên chọn lựa đầu tiên là điều trị các rối loạn phối hợp, bởi vì sau khi điều trị các rối loạn này biểu hiện tic có thể thuyên giảm.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ hiện có tiếp nhận thăm khám và điều trị cho các trường hợp trẻ mắc rối loạn Tic và hội chứng Tourette. Phụ huynh có nhu cầu thăm khám cho bé có thể tới khám theo lịch cố định vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần tại Phòng khám 215 – Khoa Khám và điều trị nội trú.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ hotline: 0210.655.9999.
Bạn quan tâm: