0210 655 9999

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ em

Trẻ em luôn luôn hiếu động, nhưng ở mức nào được coi là bình thường, còn mức nào bị coi là tăng động giảm chú ý, có rất nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ về chứng bệnh này. Trẻ có những hành vi hiếu động quá mức kèm theo suy giảm khả năng chú ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người.

Những dấu hiệu điển hình của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một nhóm những triệu chứng về hành vi bao gồm những biểu hiện giảm tập trung chú ý, tăng hoạt động quá mức, xung động thiếu kiềm chế, khởi phát trước 7 tuổi và có xu hướng tiến triển kéo dài. Rối loạn gây ản hưởng đến sinh hoạt, học tập và mối quan hệ xã hội của trẻ với những người xung quanh.

– Rối loạn tăng động giảm chú ý gặp ở 2-10% trẻ em ở lứa tuổi tiểu học, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái.

Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp ở trẻ:

– Không chú ý vào chi tiết hoặc mắc lỗi cẩu thả với những công việc được giao

– Khó khăn khi phải duy trì chú ý vào nhiệm vụ/hoạt động

– Dường như không chú ý nghe khi hội thoại/ngắt quãng hoặc chen ngang vào cuộc hội thoại của người khác.

– Không tuân theo hướng dẫn và không hoàn thành nhiệm vụ/bài vở (không phải do chống đối hay do không hiểu)

– Khó khăn trong tổ chức nhiệm vụ/hoạt động

– Né tránh, không thích hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ

– Mất những đồ dùng cần thiết trong công việc/học tập

– Dễ bị xao nhãng bởi những kích thích bên ngoài

– Đãng trí trong các hoạt động hằng ngày

Trong những năm gần đây, rối loạn tăng động giảm chú ý đã được nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn. Mặc dù căn nguyên có nhiều điểm chưa rõ và điều trị còn khá nhiều thách thức nhưng nhìn chung, trẻ được điều trị sớm và đúng cách có thể học tập và phát triển bình thường.

Tuy nhiên với những trẻ không được giáo dục trong môi trường phù hợp hay trẻ không được điều trị sớm, trẻ có thể phải đối mặt với sự chỉ trích từ thầy cô, sự xa lánh và cô lập từ bạn bè. Tình trạng này khiến cho trẻ trở nên lầm lì, có hành vi chống đối, dễ phát triển chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, trẻ mắc chứng ADHD không được điều trị có thể trở nên hung hăng, nảy sinh những hành vi tàn bạo, thiếu lương tâm, giảm trí thông minh, méo mó trong nhận thức và suy nghĩ.

Để được khám, đánh giá trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý hay không, Quý vị có thể đăng ký khám tại Phòng khám 215 – Tầng 2 – Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ. Hoặc liên hệ Tổng đài CSKH  (24/7): 0210 655 9999  để được hỗ trợ.