Thời điểm mùa hè nắng nóng, trẻ em được nghỉ học và nhiều trẻ được gia đình tổ chức đi tắm biển, nghỉ mát, tắm bể bơi làm gia tăng nguy cơ trẻ bị đuối nước. Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng gần 7.000 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ rất cao với khoảng 3.500 trẻ, chủ yếu trong độ tuổi từ 0-15 tuổi. Thực trạng này cảnh báo về công tác giáo dục kỹ năng sống, quản lý học sinh, trẻ em từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Trẻ đuối nước thương tâm khi đi du lịch
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị đuối nước nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ.
Điển hình nhất là trường hợp của một bệnh nhi nam 6 tuổi (trú tại H. Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) bị đuối nước tại bể bơi khu vui chơi khi cùng gia đình đi du lịch. Khoảng 10 phút sau khi bị đuối nước, gia đình mới phát hiện trẻ và tiến hành cấp cứu ép tim tại chỗ 5 phút sau đó trẻ được đưa đến Trung tâm y tế huyện.
Lúc này, trẻ đã hôn mê, ngừng tim, ngừng hô hấp, được các bác sĩ cấp cứu ngừng hô hấp – tuần hoàn, chuyển viện trong tình trạng hôn mê. Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhi được cấp cứu ngừng tuần hoàn trên xe cấp cứu 1 lần, đến khoa Cấp cứu bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trẻ ngừng tim, SPO2 không đo được, các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực. Sau 10 phút cấp cứu tích cực, trẻ có tim trở lại, SPO2 đo được chỉ 65-75%, trẻ hôn mê (Glasgow 3 điểm), đồng tử 2 bên giãn tối đa.
Trẻ được điều trị tích cực, đặt ống nội khí quản, thở máy cao tần kết hợp dùng các thuốc vận mạch liều cao, điều chỉnh rối loạn nước điện giải. Tuy nhiên đến do tình trạng trẻ quá nặng nề, tiên lượng tử vong cao nên đến 20h00 cùng ngày, gia đình xin cho trẻ về.
Sau đó không lâu, ngày 4/7 Bệnh viện tiếp tục tiếp nhận một bệnh nhi nam 7 tuổi (Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ) Theo lời mẹ của trẻ kể lại trẻ bị đuối nước tại bể bơi, sau 1 phút trẻ được vớt lên, lơ mơ, khó thở, gọi hỏi không biết, tím tái được người cứu hộ cấp cứu hô hấp nhân tạo, ép tim. Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn khoảng 2 phút trẻ có tim, còn khó thở ngay lập tức trẻ được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sau đó được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi, sau điều trị tại bệnh viện Sản nhi trẻ đã hồi phục và được cho xuất viện.
Làm gì để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ?
Theo BSNT. Nguyễn Võ Lộc – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, các bậc phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận, nhất là trong thời điểm trẻ được nghỉ học; quan sát kỹ trẻ khi đến nơi có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm, không để trẻ đi tắm ở bể bơi mà không có sự giám sát của người lớn; cần làm rào, lấp kín những hố và rãnh, ao hồ không cần thiết.
Ngoài việc trang bị kỹ năng cần thiết khi bơi, thì việc trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị đuối nước cũng không kém phần quan trọng: khi phát hiện trường hợp đuối nước các em cũng cần có những kỹ năng cần thiết để cứu vớt người bị nạn như hô to để tạo sự chú ý mọi người xung quanh đến cứu, tận dụng các vật dụng nổi không chìm để đưa người bị nạn vào bờ. Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu đúng cách rất quan trọng, giúp tăng cơ hội điều trị. Thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước là từ 0 – 4 phút từ lúc trẻ rơi vào nước.
Trong trường hợp là người trực tiếp cứu đuối, người cứu đuối cũng cần có những kỹ năng quan trọng như lặn xuống và tiếp cận nạn nhân từ sau lưng để tránh tình trạng nạn nhân hoảng hốt ôm bám, gây nguy hiểm cho chính mình. Sau đó kéo nạn nhân vào người mình, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ. Trong quá trình đó chú ý nâng cằm nạn nhân lên cao để nạn nhân thở, đưa vào bờ để sơ cấp cứu.