0210 655 9999

Cảnh báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhanh

Các trường hợp đến viện thăm khám thường ở mức độ 2 (giai đoạn chuyển biến từ nhẹ sang nặng)

Từ đầu tháng 3 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 47 trường hợp mắc bệnh tay – chân – miệng (tăng gấp 9 lần so với cùng kì năm 2019; tăng gấp 15 lần so với cùng kì năm 2020), chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ (từ 6 tháng đến 3 tuổi).

Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi cho biết: “Dấu hiệu là nổi ban đỏ, bóng nước xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ nguy hiểm hơn so với các tác nhân khác, một số trẻ có biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh… Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ tay – chân – miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể”.

Sở Y tế đề nghị các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xà phòng hoặc Cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.

Bệnh tay – chân – miệng tại Việt Nam là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Theo các bác sĩ, đối với trẻ bị tay chân miệng nhẹ (chỉ loét miệng và mọc ban) phụ huynh cần chú ý một vài điểm khi chăm sóc tại nhà:

Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không cho ngậm núm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Vệ sinh: Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Vệ sinh miệng thường xuyên cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn (có thể dùng nước muối loãng).